THƯỢNG ĐẾ VÀ CON NGƯỜI

Thượng Đế và Con Người

 

Theo sách vở, có ba hình ảnh tượng trưng mối tương quan giữa Thượng Đế và Con Ngưòi, những hình ảnh này chỉ có tính cách biểu tượng mà thôi.

1. Khối Lửa và Tia Sáng

Thượng Đế có thể ví như một khối lửa thiêng vĩ đại từ đó phát sinh ra vô số tia sáng, mỗi tia sáng là một sự sống hoặc một con người, hình ảnh này cho ta thấy bản thể thiêng liêng của con người đồng nhất với Thượng Đế. Tia sáng này lúc nào cũng dính liền với khối lửa. Tia sáng đó nhập thế, ẩn mình trong vật chất để học hỏi kinh nghiệm, lúc đầu còn tiềm tàng nhưng dần phát triển mạnh mẽ, to lớn hơn và tiến dầnvề ngọn lửa thiêng. Thiên Chúa giáo có ý rằng Thượng Đế sinh ra con người theo hình ảnh của ngài, Phật giáo nói rằng chúng sinh đều có Phật tánh.

2. Đại Dương và Giọt Nước

Một hình ảnh khác tượng trưng Thượng Đế như đại dương vô bờ bến, tinh khiết, trong đó mỗi giọt nước là một con người. Giọt nước này rời biển cả, nguyên thủy và tinh khiết, chảy qua nhiều môi trường vật chất nên bị nhuốm màu, học hỏi qua nhiều kinh nghiệm khi thì dịu dàng như giòng sông phẳng lặng, lúc thì xáo động như ghềnh thác ầm ầm, nhưng dần giọt nước trưởng thành, chế ngự vật chất, phát triển tiềm năng thiêng liêng. Giọt nước hòa đồng với những giọt nước khác, họp lại thành dòng sông nhỏ, dần thành dòng sông lớn hướng về biển mẹ.

Hình ảnh này cho ta thấy dòng tiến hóa của một con người theo các môi trường thay đổi, học kinh nghiệm và thuận chảy theo triều lưu tiến hóa của Thiên ý.

3. Cổ Thụ và Hạt Giống.

Trong hình ảnh thứ ba, Thượng Đế được hình dung  như một cổ thụ to lớn, sum suê có vô số hạt giống, mỗi hạt giống là một con người.

Khi hạt giống lìa cành rơi xuống đất, trong mầm giống của nó đã chứa đựng đầy đủ đặc tính, hình dáng của cây mẹ. Nằm trong lớp đất chịu ảnh hưởng của thời tiết, ánh sáng, mưa nắng và thức ăn do đất mang lại, hạt giống nẩy mầm phát triển thành cây con, rồi cây lớn giống hình ảnh của cây mẹ.

Hình ảnh này cho thấy sức phấn đấu và phát triển của một sự sống, một con người. Hạt giống nếu ở mãi trên cây thì cũng chỉ là hạt giống. Con người cần nhập thế để phát triển đặc tính thiêng liêng. Nằm trong lòng đất, hạt giống cần thiên nhiên kích động phá vỡ lớp vỏ cứng để nẩy mầm. Tinh thần cần có vật chất mới biểu lộ được. Vì thế sự sống (con người) cần chìm sâu vào trong vật chất rồi bị vật chất kềm giữ, che mất bản tính thiêng liêng (trạng thái con người còn vô minh).

Thiên nhiên bên ngoài vừa bó buộc nhưng cũng vừa kích động, để hạt giống biến chuyển và nẩy mầm.Mỗi năm, xuyên qua thời tiết nắng lạnh, gió mưa, cây cố gắng phát triển và lớn dần.Vật chất bao bọc tinh thần nhưng đồng thời những hoàn cảnh bên ngoài, nhân quả v..v. đánh thức bản thể con người, làm cho con người dần tỉnh giấc. Nhờ kinh nghiệm, nhờ  ý chí phấn đấu mà con người phát triển thiên tánh, để cuối cùng tiến về từ phụ.

Hãy toàn thiện như  Cha ở trên trời.
Phật đã giác ngộ, chúng sinh đang giác ngộ.

Xuyên qua ba hình ảnh này, ta thấy chúng ta là huynh đệ, đều có nguồn gốc từ Thượng Đế. Ngài vừa ở bên ngoài, vừa ở bên trong của chúng ta. Mỗi chúng  ta đều có bản thể thiêng liêng dẫu chúng  ta còn trong thời kỳ sơ khai hay đã tiến hóa. Công việc của chúng ta là làm sao cho thiên tính ấy - nơi mình và nơi người bạn - được biểu  lộ ra càng nhiều càngt ốt.

Đó là cách làm vinh hiển, sáng danh Thượng Đế.

L. T.
Mến tặng các bạn bắt đầu tìm hiểu Theosophia.